Các doanh nghiệp vi phạm bản quyền phần mềm và sở hữu trí tuệ nói chung hiện nay rất dễ bị khởi tố hình sự theo các quy định mới trong Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2018.
Theo quy định trong Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2018, các doanh nghiệp vi phạm sở hữu trí tuệ, trong đó có bản quyền phần mềm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là lần đầu tiên Việt Nam quy định trách nhiệm hình sự với các doanh nghiệp có hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ, hành vi trước đây chỉ xử phạt hành chính.
Cụ thể, các doanh nghiệp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu xâm phạm sở hữu trí tuệ như sao chép và phân phối phần mềm không có bản quyền… để thu lời bất chính từ 200 triệu đồng, gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả từ 300 triệu đồng hoặc số lượng hàng hóa vi phạm có trị giá từ 300 triệu đồng. Những doanh nghiệp từng có “án tích” như đã bị xử phạt hành chính về vi phạm sở hữu trí tuệ thì có thể bị xử lý hình sự ở vi phạm mức thấp hơn nhiều, chỉ còn 100 triệu đồng với mức độ thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả hoặc tổng giá trị hàng hóa vi phạm.
Mức phạt cho hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ với các doanh nghiệp là phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 3 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 2 năm, bị cấm kinh doanh trong lĩnh vực vi phạm hoặc bị cấm huy động vốn từ 1-3 năm.
Hiện tại, các quy định xử phạt vi phạm sở hữu trí tuệ của Bộ luật Hình sự sửa đổi giới hạn áp dụng với mục đích thương mại. Nghĩa là các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp là để phục vụ mục đích kinh doanh và lợi ích của doanh nghiệp.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm mới đây về việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo Bộ luật Hình sự sửa đổi do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 18/4 tại Hà Nội, luật sư Phạm Tuấn Anh của văn phòng luật Phạm và Liên Danh cho rằng các quy định mới trong Bộ luật Hình sự sửa đổi là bước đi Việt Nam phải thực hiện theo cam kết trở thành thành viên của Hiệp định TRIPS – điều ước quốc tế đa phương về sở hữu trí tuệ, thương mại trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ được ký kết vào ngày 15/12/1993 và là một trong các hiệp định cơ bản của Tổ chức thương mại thế giới WTO.
Bên cạnh đó, truy cứu trách nhiêm hình sự với doanh nghiệp vi phạm sở hữu trí tuệ cũng là thực tế thịnh hành trên toàn cầu. Theo thống kê, hiện nay có 119 quốc gia đã quy định trách nhiệm hình sự với doanh nghiệp về xâm phậm sở hữu trí tuệ, trong đó riêng khu vực ASEAN cũng có 6 quốc gia gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippinnes và Campuchia.
Tuy vậy, luật sự Phạm Anh Tuấn cũng khuyến cáo với những quy định mới của Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2018, các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị khởi tố hình sự có thể sẽ tăng lên trong thời gian tới do đã có khung pháp lý rõ ràng. Đối tượng bị khởi tố không còn giới hạn ở cá nhân mà cả đối với doanh nghiệp thương mại. Đặc biệt, tội xâm phạm sở hữu trí tuệ bây giờ có thể bị khởi tố mà không cần có yêu cầu của bị hại là chủ thể sở hữu tài sản trí tuệ.
Ông Gary Gan, đại diện Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) – tổ chức đại diện bảo vệ bản quyền phần mềm cho nhiều hãng phần mềm lớn – cũng cho rằng với những quy định mới của Bộ luật Hình sự sửa đổi, doanh nghiệp có nguy cơ bị khởi tố hình sự đối với vi phạm bản quyền phần mềm là rất dễ xảy ra. Giá trị bản quyền phần mềm lớn, nên tạo ra mức vi phạm 100 triệu đồng dễ dàng.
Ở góc nhìn là cơ quan thực thi chống xâm phạm sở hữu trí tuệ, ông Trần Văn Minh, Phó chánh thanh tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng “đã đến lúc các lãnh đạo doanh nghiệp phải gấp rút rà soát lại tình hình sử dụng phần mềm tại doanh nghiệp mình và có hành động kịp thời để tránh tổn hại về tài chính cũng như ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp nếu bị cơ quan chức năng phát hiện”.
Theo ông Trần Văn Minh, tình trạng vi phạm bản quyền trong các doanh nghiệp Việt Nam đang ở mức cao. Trong năm 2017, đoàn thanh tra liên ngành đã thực hiện kiểm tra 63 doanh nghiệp thì có 54 doanh nghiệp có hành vi sao chép chương trình phần mềm trái phép.
TT
The post Việt Nam bắt đầu truy cứu hình sự doanh nghiệp vi phạm bản quyền – VnReview appeared first on 4 News.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét