Facebook đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nội tại lẫn truyền thông, không chỉ bởi vụ bê bối để lộ hơn 87 triệu tài khoản mà còn bởi câu hỏi chưa có lời giải, liệu Facebook có đang coi người dùng là “sản phẩm” trao đổi.
Có một câu nói khá thú vị từng được nhiều nhà phê bình đem ra chỉ trích Facebook. Nguyên văn như sau: “Nếu bạn không phải trả tiền, bạn sẽ không còn là khách hàng nữa mà là sản phẩm rồi”.
Phải chăng vụ bê bối Cambridge Analytica đã minh chứng câu nói đó chính xác? Thực tế Facebook có phải là sản phẩm dịch vụ miễn phí hay là một hình thức kinh doanh quảng cáo trá hình? Những câu hỏi đó đã được Facebook trả lời trong một bài viết đăng tải trên Facebook Newsroom hôm 23/4 vừa qua.
Facebook đang hoạt động như một dịch vụ miễn phí cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, Facebook không phải tự dưng tồn tại được đến ngày nay. Tất cả nhờ việc Facebook đã hợp tác bán quảng cáo với các đối tác. Lẽ dĩ nhiên, món hàng của Facebook chính là dữ liệu mà người dùng cung cấp.
Đổi lại việc truy cập mạng xã hội, nhắn tin Messenger miễn phí hàng ngày, người dùng sẽ phải đánh đổi cái gọi là dữ liệu cá nhân. Nguồn dữ liệu thu thập được từ phía người dùng sẽ được tiếp tục bán cho bên thứ ba, cụ thể là các đối tác quảng cáo, nhãn hàng nhằm tung ra những quảng cáo đích, hướng tới một nhóm người dùng cụ thể.
Mô hình kinh doanh này liệu có coi người dùng là “sản phẩm”?
Facebook là một sản phẩm miễn phí” nhưng không hẳn là một dịch vụ “cho không”. Chỉ có điều, chi phí mất đi cho mỗi lần truy cập Facebook được quy đổi bằng số dữ liệu mạng xã hội này bán cho đối tác để kiếm tiền.
Mô hình kinh doanh này của Facebook từng bị giới phân tích chỉ trích vì tính thực dụng của nó. Hồi năm 2014, CEO Apple, Tim Cook từng có phát ngôn “đá xoáy” Facebook. Ông nói: “Khi một dịch vụ trực tuyến miễn phí, bạn không còn là khách hàng nữa mà bạn là một sản phẩm”.
Thực tế, vụ bê bối Cambridge Analytica thu thập dữ liệu của 87 triệu người dùng Facebook nhằm phục vụ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016 là một minh chứng khá rõ ràng, đồng thời là kết quả từ việc người dùng bị coi như một món hàng.
Có điều Facebook không nhận thấy hình thức kinh doanh này có vấn đề
Theo Business Insider, trong một bài đăng FAQ (những câu hỏi thường gặp) phát hành hôm 23/4 của Facebook, mạng xã hội một lần nữa tái khẳng định, người dùng không phải là sản phẩm của họ…nhưng với một cách trả lời đầy lấp liếm.
Câu hỏi viết rằng: “Nếu tôi dùng Facebook miễn phí, liệu tôi có phải là một sản phẩm không?”. Đại diện Facebook trả lời như sau: “Không, sản phẩm của chúng tôi là mạng xã hội, nơi kết nối mọi người dù ở bất kỳ đâu trên thế giới”.
Hay như cách COO Sheryl Sandberg chia sẻ trong thông cáo báo chí hồi tháng 9/2016, bà gọi Facebook là “mạng xã hội”. Thế nhưng đó có phải là cách gọi chính xác?
Trong phiên điều trần hồi đầu tháng Tư, CEO Facebook Mark Zuckerberg bị đại biểu Quốc hội Mỹ chất vấn về những công ty mà Facebook coi là đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Ông chủ Facebook tỏ ra khá ngắc ngứ và không tự tin khi đưa ra câu trả lời. Vấn đề nằm ở chỗ Facebook không đơn thuần là một mạng xã hội, đó còn là một công ty bán quảng cáo, thậm chí là một nhà sản xuất phần cứng.
Như vậy có thể nói, cách Facebook tự gọi mình là mạng xã hội không hoàn toàn chính xác. Nó đúng hơn, Facebook là một công ty kinh doanh đa dịch vụ.
Dịch vụ mạng xã hội chỉ là một phần trong danh mục sản phẩm của hãng và nó miễn phí. Tất nhiên, công ty không dại để một dịch vụ mất bao công sức gây dựng lại bị “xài chùa” mà không đem lại lợi ích nào. Bởi thế, Facebook chọn cách biến mạng xã hội này trở thành một không gian quảng cáo khổng lồ, phục vụ cho mục đích kinh doanh.
Facebook hứa hẹn, họ sẽ không bao giờ tiết lộ thông tin về việc bạn là ai cho các nhà quảng cáo. Quảng cáo và bảo mật dữ liệu cá nhân luôn là hai phạm trù đối lập nhưng Facebook cam đoan sẽ cân bằng được điều đó.
Tất nhiên đó chỉ là những lời hứa nửa vời, bởi chúng ta hẳn đã nghe không ít những lời hứa như vậy từ các công ty Internet. Liệu có công ty nào đủ dũng cảm thừa nhận đã thu thập dữ liệu cá nhân, có chăng họ chỉ làm điều đó một cách âm thầm và bí mật mà thôi.
Dù từng bị phản đối nhưng Facebook có một chiêu bài rất hiệu nghiệm để xoa dịu sự phản đối của người dùng, đó là “nâng cao trải nghiệm”. Hãng khẳng định, mọi dữ liệu người dùng đăng, chia sẻ hay cập nhật trên Facebook đều giúp họ cải thiện trải nghiệm dịch vụ tốt hơn. Ví dụ như các bài viết, bài đăng quảng cáo liên quan đến sở thích cá nhân xuất hiện trên News Feed, đó là kết quả từ việc thu thập dữ liệu của bạn.
Chưa hết, Facebook cũng rất khéo léo biến những công ty khác trở thành một phần của câu chuyện. Hãng cho rằng, dữ liệu người dùng cung cấp cho Facebook giúp mạng xã hội tỷ dân này hiển thị quảng cáo đích tốt hơn, giúp các doanh nghiệp liên kết trên Facebook tìm được nguồn khách hàng nhanh hơn mà không phải thông qua các kênh quảng cáo đắt đỏ, tốn thời gian khác.
Có thể kết luận, Facebook không bán mạng xã hội như một món hàng. Có chăng, sản phẩm của Facebook chính là dữ liệu thu thập từ mọi thành viên mạng xã hội. Nói cách khác, bạn sẽ luôn là một sản phẩm ngay cả khi Facebook có khăng khăng chối rằng, bạn không phải là sản phẩm của họ.
Tiến Thanh
The post Facebook khẳng định người dùng không phải là sản phẩm: điều đó có đúng không? – VnReview appeared first on 4 News.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét