Hoạt động của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM), sản xuất, buôn bán hàng giả đang xuất hiện ngày càng nhiều, liên tục thay đổi thủ đoạn, địa bàn hoạt động và manh động hơn.
Những đối tượng này sẵn sàng dùng “hàng nóng” chống trả lực lượng chức năng để bảo vệ nguồn hàng. Để ngăn chặn nạn buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả,… rất cần sự nỗ lực của tất cả các lực lượng chức năng từ T.Ư đến địa phương, trong đó cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, đơn vị.
Nhiều thủ đoạn tinh vi mua bán hàng lậu hàng giả
Trong sáu tháng đầu năm 2017, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) trên cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 46 nghìn vụ vi phạm liên quan hàng giả, hàng nhập lậu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ,… Trong đó có hơn 8.400 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 35.400 vụ GLTM; hơn 2.200 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 210 tỷ đồng. Những vi phạm tập trung vào các nhóm hàng như may mặc, thiết bị điện tử, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng,… được làm ở nước ngoài rồi vận chuyển trái phép vào nước ta qua các đường mòn, lối mở.
Ở các địa bàn “nóng” về buôn lậu trên tuyến biên giới phía bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, vẫn còn tình trạng thuê người dân “cõng” hàng lậu qua đường mòn, lối mở rồi tuồn vào thị trường nội địa. Nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng QLTT, hàng lậu được tập trung tại kho hàng ở các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên… rồi chia nhỏ chuyển vào Hà Nội tiêu thụ hoặc đưa tới các tỉnh, thành phố khác. Trên địa bàn miền trung, hoạt động buôn lậu diễn ra nhiều nhất ở Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An,…
Thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu là lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước, đưa hàng do Việt Nam sản xuất đến các khu kinh tế mở, sau đó quay vòng vào thị trường trong nước để hưởng lợi bất chính từ việc hoàn thuế VAT. Tại các tỉnh phía nam, nhất là các tỉnh biên giới tây nam như Long An, Đồng Tháp, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang, thời gian qua một số mặt hàng nhập lậu tăng mạnh như điện thoại di động, hàng điện tử, đường cát, thuốc lá, xăng dầu,… Ở các tỉnh này, các đối tượng buôn lậu rất manh động, hung hãn, sẵn sàng chống trả lực lượng thi hành công vụ để cướp lại tang vật.
Theo Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải, Bộ xác định công tác chống buôn lậu, GLTM và hàng giả là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục để thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia). Để làm tốt công tác này, các lực lượng chức năng cần thực hiện liên tục hoạt động kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng sản xuất, đời sống nhân dân; chú trọng xây dựng lực lượng, rèn luyện đạo đức công vụ, đề cao vai trò và gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, xử lý đến cùng nếu sai phạm. Mặt khác, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng với nhau và với địa phương.
Cuộc chiến chống hàng lậu hàng giả: còn nể nang, né tránh
Trong khi hoạt động buôn lậu, GLTM và hàng giả đang diễn biến ngày càng phức tạp thì hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống vấn nạn này còn chưa tương xứng. Một phần nguyên nhân là do một bộ phận cán bộ, công chức tha hóa, bảo kê, tiếp tay. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thật sự quyết liệt; có lúc, có nơi thiếu quan tâm, kiểm tra, đôn đốc,… Vì lợi ích vùng miền, chạy theo phong trào, còn nể nang, né tránh trong việc xác định trách nhiệm, xử lý cán bộ, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để xảy ra buôn lậu, GLTM và hàng giả phức tạp, kéo dài.
Theo chỉ đạo của đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống của lực lượng QLTT, trong năm 2017, công tác đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả cần phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn; phải tạo được sự chuyển biến căn bản. Làm tốt công tác này sẽ bảo vệ được sản xuất trong nước, bảo vệ được tính mạng, sức khỏe của nhân dân, tăng thu ngân sách, bảo vệ trật tự pháp luật, trừng trị tội phạm có tổ chức xã hội đen, xuyên quốc gia, bảo vệ được các cơ quan chức năng và đời sống của nhân dân. Đối với công tác thanh tra, kiểm tra công vụ phải xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Kiên quyết điều chuyển, thay thế người đứng đầu cơ quan, đơn vị không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, GLTM, hàng giả.
Cũng theo Phó Thủ tướng, phải chấm dứt hiện tượng tập kết hàng hóa lậu công khai ở biên giới, vận chuyển công khai trên đường, đưa vào nơi chứa chấp. Ở nơi nào xảy ra tình trạng trên thì lực lượng chức năng nơi đó phải chịu trách nhiệm. Cần rà soát, khắc phục những bất cập, chồng chéo về quy định pháp luật, về công tác quản lý để những đối tượng làm ăn phi pháp không có môi trường, cơ hội lợi dụng.
Trong sáu tháng cuối năm, dự báo nạn buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp. Các lực lượng chức năng cần tập trung thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công thương về chống buôn lậu, GLTM và hàng giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét