Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, có rất nhiều cách để người Việt chuyển tiền ra nước ngoài, trong đó có cấu trúc tài chính 4 bên.
Theo thống kê, từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017, người Việt đã chi khoảng 3,06 tỷ USD để mua bất động sản ở nước ngoài, chủ yếu là nhà tại Mỹ.
Nói về việc “di cư” của dòng tiền từ Việt Nam sang nước ngoài, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng – cho rằng, có rất nhiều cách chuyển tiền không chính thức mà người Việt có thể đã áp dụng để chuyển tiền ra nước ngoài mua nhà, như nhờ người thân, nhưng phương thức này không mấy khả thi do quy định của Luật quản lý ngoại hối chỉ cho phép mang tối đa 5.000 USD khi du lịch nước ngoài.
Hoặc họ có thể “núp bóng” chuyển tiền mục đích hợp pháp như học tập, chữa bệnh, du học… nhưng số tiền chuyển mỗi lần cũng không nhiều và nếu muốn mua bất động sản thì sẽ phải mất nhiều năm mới có được số tiền lớn để mua nhà. Vì thế, theo TS. Hiếu, trường hợp mua nhà qua cách này cũng không nhiều.
Cấu trúc tài chính 4 bên
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra một phương thức khác khi chuyển qua cấu trúc tài chính 4 bên giúp người mua nhà có thể chuyển số tiền lớn mà không phạm luật.
Cụ thể, người A mua nhà tại Việt Nam chuyển tiền bằng VND cho người B ở Việt Nam, nhưng có người thân hoặc công ty tại Mỹ (người C). Người C này sau khi nhận được yêu cầu chuyển tiền, sẽ chuyển số USD tương ứng cho người D (có mối quan hệ thân nhân với người muốn mua nhà). Cách chuyển tiền ngoại tệ này không bị thất thoát, không ra khỏi Việt Nam, nhưng “đầu mối” tại Mỹ vẫn có tiền để mua bất động sản hợp pháp.
“Đây là một trong số các phương thức chuyển tiền không chính thức, có thể vi phạm rửa tiền. Nhưng tại thời điểm này, quy định của luật pháp Việt Nam không nêu rõ cách chuyển này là hợp pháp, hay bất hợp pháp. Do đó, nó nằm trong “vùng xám” của pháp luật. Vì thế, cần sự lên tiếng, cũng như hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý – Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này”, ông Hiếu bình luận.
Tuy thị trường bất động sản Mỹ “đang lên”, nhưng dù nguồn tiền người Việt mua nhà tại Mỹ theo cách thức nào, thì họ vẫn đối diện với khá nhiều rủi ro khi chuyển tiền “chui”. Rủi ro về pháp lý, sở hữu và thị trường là ba trong số rất nhiều rủi ro người Việt có thể đối mặt khi chi tiền mua nhà ở Mỹ.
“Giả sử số ngoại tệ không được trao tay ở Mỹ, người mua ở Việt Nam cũng không thể kiện ra toà được, cho dù hai bên ở Việt Nam từng có hợp đồng thoả thuận. Bởi lẽ, đây cũng được xem là hình thức rửa tiền, không có cơ sở để kiện”, TS. Hiếu cảnh báo.
Đứng ở góc độ tài chính, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định, số tiền mà người Việt bỏ ra mua nhà ở Mỹ khá lớn. Số tiền này đáng lý phải để lại trong nước để sản xuất kinh doanh, tuy nhiên, bằng nhiều cách, nó đã được đưa ra nước ngoài để mua bất động sản. Mua bất động sản ở Mỹ thì không giúp gì cho kinh tế Việt Nam, thậm chí còn là thiệt hại về ngoại tệ cho Việt Nam.
Liệu có nên kiên định chính sách lãi suất USD 0%?
Với tình hình tỷ giá ổn định cũng như lãi suất VND đang hấp dẫn, có ý kiến ủng hộ Ngân hàng Nhà nước nên kiên trì chính sách lãi suất USD ở mức 0% như hiện tại. Tuy nhiên, với mục tiêu huy động USD trong dân và tránh “chảy máu” ngoại tệ, có ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên áp dụng lãi suất trở lại với tiền gửi USD mới khuyến khích được dòng vốn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm: Nên duy trì lãi suất huy động USD là 0% trong thời điểm hiện tại và chưa nên “khuấy động” thị trường vào lúc này.
Đồng thời, theo chuyên gia này, nên chờ thời điểm từ nay đến cuối năm, khi có diễn biến mới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mới thay đổi lãi suất tiền USD, và TS. Hiếu đề xuất mức tăng khoảng 0,5%.
“Nếu chúng ta tiếp tục áp dụng mức lãi suất 0% với tiền gửi USD, rất nhiều khả năng sẽ có một số vốn sẽ tuồn ra nước ngoài, đầu tư trên thị trường thế giới để tìm kiếm mức sinh lời cao hơn. Do đó, chúng ta sẽ chịu nhiều áp lực về tỷ giá”, TS. Hiếu phân tích.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng nhận định, nhập siêu từ nay đến cuối năm sẽ cao hơn. “Đến thời điểm nào đó thích hợp thì tôi cho rằng cần điều chỉnh tỷ giá, điều chỉnh lãi suất đồng USD”, TS. Hiếu nêu ý kiến.
Theo quy định của Luật Quản lý ngoại hối năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), người Việt Nam chỉ có thể chuyển tiền ra nước ngoài dưới một số điều kiện, một số giao dịch mà luật pháp cho phép, như mang tối đa 5.000 USD hoặc số tiền tương đương quy đổi khi qua cửa khẩu. Bên cạnh đó người Việt Nam có thể chuyển tiền ra nước ngoài thông qua ngân hàng để thanh toán những khoản tiền chuyển cho con cái đi du học, tiền chữa bệnh… Tuy nhiên, số tiền này cũng không nhiều.
Vì thế, người Việt khi muốn mua bất động sản ở Mỹ đều “núp bóng” một hình thức chuyển tiền nào đó phi chính thức bất chấp các dịch vụ chuyển tiền không chính thống thường chứa đựng nhiều rủi ro. Không phải ai cũng chuyển tiền suôn sẻ, không ít người đã mất trắng vì những dịch vụ chuyển tiền “chui” như vậy./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét