Đái tháo đường (tiểu đường) diễn tiến âm thầm được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng” khiến cho đa số bệnh nhân gặp biến chứng, tử vong sớm. Sự nguy hiểm của bệnh dù đã được cảnh báo nhưng cộng đồng vẫn chưa quan tâm đúng mức.
Số liệu nghiên cứu của Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF) được công bố tại chương trình đào tạo quốc tế về đái tháo đường (ngày 28/7 tại TPHCM) chỉ ra: “Tại Việt Nam có hơn 52% bệnh nhân đái tháo đường chưa được chẩn đoán và có đến 52,7% bệnh nhân đái tháo đường ở Việt Nam chết vì bệnh này trước năm 60 tuổi”.
Theo GS Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam: Đái tháo đường là một nhóm các bệnh lý chuyển hóa đặc trưng bởi tăng glucose máu do khiếm khuyết tiết insuline, khiếm khuyết hoạt động insuline, hoặc cả hai. Tăng glucose máu mạn tính trong đái tháo đường sẽ gây tổn thương, rối loạn chức năng hay suy nhiều cơ quan, đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu.
Ngoài nguyên nhân do di truyền thì lối sống thiếu khoa học, ít vận động, ăn uống giàu năng lượng dẫn tới thừa cân béo phì, người thường xuyên căng thẳng… là nhóm dễ mắc bệnh. Mặc dù các nguyên nhân cũng như mức độ nguy hiểm của căn bệnh này đã được cảnh báo, tuy nhiên cộng đồng còn thơ ơ trong việc phòng và điều trị.
Để chủ động bảo vệ sức khỏe phòng bệnh tiểu đường, tránh biến chứng nguy hiểm xảy ra, GS Hồng Quang khuyến cáo cộng đồng, ngoài chế độ ăn uống khoa học, tăng cường vận động, hạn chế sử dụng các chất kích thích, người dân nên chủ động tầm soát bệnh bằng các xét nghiệm mỡ máu, kiểm tra huyết áp, xét nghiệm đường máu, lipid máu… để được bác sĩ chẩn đoán, điều trị sớm nếu không may mắc bệnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét